Cầu nguyện


Trước tiên chúng ta cần nhận thức được vai trò của sự cầu nguyện là một hành động kết nối. Sự cầu nguyện kết nối chúng ta với Đức Chúa Trời để thông qua đó chúng ta nhận lãnh quyền năng từ Ngài để có thể thực hiện công việc Chúa giao. Thứ đến, sự cầu nguyện kết nói chúng ta với những người anh em cùng chung đức tin nơi Chúa Giê-xu. Cuối cùng, sự cầu nguyện kết nối chúng ta với những nhóm người chưa tin để Thánh Linh Đức Chúa Trời vận hành trong tấm lòng của họ. Tại sao sự cầu nguyện lại quan trọng đến vậy? Khi chúng ta muốn xin cha mẹ điều gì đó thì cách thiết thực nhất là chia sẻ với cha mẹ về điều mình mong muốn. Cũng một thể ấy, khi bạn muốn xin Đức Chúa Trời điều gì đó cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước, hay cho người khác thì điều nên làm và cần phải làm là hãy dâng lên Ngài lời cầu nguyện của chính mình.

Giờ đây, chúng ta hãy so sánh đời sống cầu nguyện của các môn đồ trong các sách Phúc Âm và sách công vụ các sứ đồ để thấy được vai trò, tầm quan trọng và năng quyền của sự cầu nguyện.

Trong các sách Phúc Âm không có chỗ nào ghi lại việc các môn đồ cầu nguyện (có lẽ chỉ ngoại lệ trong sách Lu-ca 22: 39-46 nhưng cũng rất miễn cưỡng).

Tuy nhiên Chúa Giê-xu lại có một nền tảng thần học và thực hành cầu nguyện cách mạnh mẽ. Ngài cầu nguyện với Cha mọi lúc có thể, từ khi trời còn mờ sáng (Mác 1: 35), Ngài cầu nguyện thâu đêm (Lu-ca 6: 12), Ngài cầu nguyện trong nơi vắng vẻ (Lu-ca 5: 16). Tại sao sự cầu nguyện lại quan trọng đối với Chúa Giê-xu như vậy? Bởi vì thời kỳ các sách Phúc Âm là thời điểm của Ngài.

Chúng ta sẽ đến với sự cầu nguyện trong sách công vụ các sứ đồ, Trong sách Công vụ, cầu nguyện được đề cập đến 30 lần trong 28 chương. Điều này đối ngược lại với đời sống thiếu cầu nguyện của các môn đồ trong các sách Phúc Âm. Tại sao Hội thánh đầu tiên lại cầu nguyện nhiều như vậy? Bởi vì đó là thời điểm của họ! Các môn đồ Cầu nguyện trước sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 1:12-14); Cầu nguyện trước khi thi hành dấu kỳ, phép lạ (Công vụ 4:29-30,31; 5:12,16); Cầu nguyện trước sự giải cứu ngoạn mục của Phi-e-rơ khỏi tù ngục và chắc chắn là sự chết; Cầu nguyện trước khi sai phái các giáo sĩ đầu tiên ra đi truyền giáo (Công vụ 13:2-3); Cầu nguyện trước sự đột phá thuộc linh, đưa Phúc Âm đến với những nhóm người chống đối đạo Chúa nhất trong thế hệ của họ. (dân tộc Do Thái) Công vụ 1:13-14.

Cầu nguyện ngày nay có vai trò gì? Chúng ta đều biết đây là thời kỳ của Hội Thánh và hết thảy mỗi đời sống con dân Chúa. Chỉ khi nào cầu nguyện chúng ta mới thấy những đột phá đáng kinh ngạc giữa vòng Hội Thánh, hay với những nhóm dân chưa nghe thậm chí là chống đối với đạo Chúa. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của chúng ta mới chỉ tập trung vào bản thân, gia đình hay cho dân tộc của chính mình. Đây là thời điểm để chúng ta thay đổi, không chỉ cầu nguyện cho những nhu cầu của bản thân hay dân tộc của mình không thôi, nhưng hãy cầu nguyện cho người khác, cho công việc Chúa khắp mọi nơi để thấy được những phép lạ mà Đức Chúa Trời sẽ làm.

Tại sao vậy? Vì đây là thời điểm của Hội Thánh, thời điểm của đời sống mỗi con dân Chúa.

Điều lưu ý cuối cùng, để lời cầu nguyện của chúng ta trở lên linh nghiệm thì điều tối quan trọng là mỗi đời sống con dân Chúa cần thực hành lời cầu nguyện bởi đức tin, chứ không phải là cầu nguyện qua loa chiếu lệ mà thôi. Chúa Giê-xu đã hứa rằng: Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả (Ma-thi-ơ 21:22).

Đăng ký email để nhận các thông tin mới nhất từ Hội thánh Tin lành Sở Thượng.