Lịch sử Hội Thánh
VÀI NÉT LỊCH SỬ
HỘI THÁNH TIN LÀNH SỞ THƯỢNG
I.Địa dư và lịch sử nguồn gốc tên gọi Sở Thượng:
Sở Thượng hiện nay nằm ở phía đông nam nội thành thủ đô Hà Nội, đây là vùng đất lâu đời, tuy nhiên cái tên Sở Thượng thì không phải có từ xưa.
Các thư tịch cổ hoàn toàn không nhắc gì đến chữ Sở Thượng. Trong Đồng Khánh địa dư chí 1887, tra đến tỉnh Hà Nội, phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì, tổng Thanh Trì có 9 xã, thôn, trại, sở trong đó có: (5) Thôn Hạ sở Yên Duyên, (6) xã Yên Duyên, (9) Thôn Thượng sở Yên Duyên. (sở là một đơn vị hành chính). Trong Hà Đông tỉnh địa dư chí 1925 cũng không nhắc đến Sở Thượng. Như vậy, rất có khả năng tên Sở Thượng chính là bắt nguồn từ thôn Thượng nằm trong sở Yên Duyên nêu trên.
Về mặt tôn giáo, sự lâu đời còn thể hiện ở chỗ giáo họ Công giáo Yên Duyên là một trong những giáo họ đầu tiên xứ Đàng Ngoài, nay nhà thờ giáo họ vẫn đang hoạt động.
Khi Tin Lành đến Sở Thượng, thôn này vẫn thuộc về tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (gần gũi cùng phủ với Hội thánh Tự Nhiên lúc ấy thuộc xã Tự Nhiên Châu, tổng Chương Dương, huyện Thường Phúc).
Sau 1945, thuộc xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông
Năm 1960, Hồ chủ tịch tặng cá rô phi cho Yên Sở làm tiền đề ngành cá ở đây. (Hiện nay, chỉ còn là đầu mối tập trung tại chợ cá Yên Sở ở gần hội thánh)
Năm 1961, huyện Thanh Trì chuyển về thủ đô Hà Nội.
Năm 2003, xã Yên Sở chuyển thành phường Yên Sở của quận Hoàng Mai mới thành lập.
Năm 2015, con đường trước mặt nhà thờ tin lành Sở Thượng được chính thức đặt tên là phố Sở Thượng.
Như vậy, địa chỉ Hội thánh tin lành Sở Thượng hiện nay là số 46 phố Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
II. Lịch sử Hội thánh tin lành Sở Thượng
1. Giai đoạn sơ khởi (trước 1943):
Lịch sử hình thành HTTL Sở Thượng gắn liền với quá trình truyền giáo ở miền Bắc nói chung, nỗ lực truyền giáo ở tỉnh Hà Đông lúc ấy nói riêng là khu vực sát ngay Hà Nội. Đó là ân điển và phép lạ Chúa làm qua Hội truyền giáo phước âm liên hiệp (CM) và Hội Tin Lành Đông Pháp (tên trước 1945 của HTTL Việt Nam)
Thập niên 1930 ghi nhận sự bùng nổ tin lành ở tỉnh Hà Đông như ở làng Tự Nhiên và tỉnh lỵ Hà Đông, nhiều tôi tớ Chúa đã được kêu gọi đứng lên, mặc dù không có nhà thờ chính thức song lời Chúa được rao ra trong nhà giảng tin lành đã mang lại nhiều kết quả.
Năm 1939-1940, trong thời gian Truyền đạo sinh Âu Thái Bình về hầu việc Chúa tại Hà Đông, ông Trịnh Cao Hòa, (giữ chức Hạp nên gọi là Hạp Hòa) là quan xử án tỉnh Hà Đông, đã biết đến Chúa Jêsus và tin nhận Ngài. Ông Hạp Hòa có người con trai là Trịnh Cao Cường giữ chức trưởng ba ở làng Sở Thượng (Ba Cường). Khi Ba Cường thăm cha ở tỉnh lỵ Hà Đông đã được cha đưa đến nghe giảng. Chứng kiến đời sống thay đổi của cha mình và được lời Chúa soi sáng, ông Ba Cường cũng đã tin Chúa. Hai cha con ông Hạp Hòa đã làm chứng cho những người trong dòng tộc họ Trịnh, và đưa đến nhà giảng tin lành, tám người nhà họ Trịnh đã tiếp nhận Chúa (6 nam, 2 nữ). Sự trung tín của những tín hữu đầu tiên đã làm chứng cho một số người cùng làng khác tin Chúa và cùng đi thờ phượng Chúa ở Hà Đông.
Nhà chức trách Pháp bắt bớ hội thánh Chúa ở Hà Đông, những tín hữu Sở Thượng quyết định chuyển qua nhà giảng Mễ Trì là nhà riêng của Mục sư Đỗ Đức Thống. Mục sư Đỗ Đức Thống cũng đã đến Sở Thượng thăm viếng và khích lệ tín hữu nơi đây.
Giai đoạn sơ khởi chứng kiến những hạt giống đức tin đầu tiên Chúa gieo vào mảnh đất Sở Thượng, tin lành đã đến với Sở Thượng. Theo một số thông tin truyền miệng thu thập được, có thể ít nhiều liên quan đến công khó của ông bà giáo sĩ Cadman, tuy nhiên do không rõ ràng và chưa kiểm chứng được nên không đề cập đến.
2. Giai đoạn chính thức phát triển (1943-1954):
Đầu năm 1943 đánh dấu mốc mới khi Truyền đạo Đào Thúc được phân công về trực tiếp lo công việc Chúa tại Sở Thượng. Nhà giảng tin lành mỗi sáng chúa nhật là nhà ông Trịnh Cao Bảo.
Truyền đạo Đào Thúc ngoài hầu việc Chúa ra còn giỏi nghề thuốc, giúp đỡ bà con trong làng. Ông và gia đình được dân làng tôn trọng, yêu mến, số người tin Chúa tăng lên. Năm 1947, số tín hữu là 30 người, nhưng nhà giảng thường chật kín vì người ngoài, người công giáo cũng đến nghe giảng. Truyền đạo Đào Thúc còn mở trường chúa nhật, lớp thiếu niên, thiếu nhi.. và duy trì đến tận khi ông rời đi.
Năm 1948, chuyển nhà giảng về nhà trưởng ban chấp sự Cao Khắc Xương
Ngày 30/1/1951, cùng một số tôi tớ Chúa, Truyền đạo Đào Thúc được tấn phong chức Mục sư tại Hà Nội. Mục sư Đào Thúc tiếp tục quản nhiệm HTTL Sở Thượng.
Ngày 25/10/1953, mục sư Đào Thúc chủ tọa lễ khánh thành nhà thờ Sở Thượng. Lần đầu tiên, 10 tín hữu được chịu phép báp-têm ngay tại Sở Thượng. Nhân dịp này, các mục sư đã tiến hành giảng phục hưng trong 3 ngày đêm liền.
Giáng sinh 1953 là sự kiện lớn cuối cùng trang trọng nhất được tổ chức tại Sở Thượng trước khi hòa bình lập lại. Vì sau đó, ngày 20/7/1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc, Hội thánh cũng phân ly theo địa giới; mục sư Đào Thúc cùng gia đình rời Sở Thượng theo dòng người vào Nam. Khép lại giai đoạn tận hiến của người quản nhiệm đầu tiên tại HTTL Sở Thượng.
3. Giai đoạn hội nhánh (1954-2003):
Trong tình hình chung của miền Bắc những năm chiến tranh, HTTL Sở Thượng giảm sút về số lượng, nhà thờ bị đổ nát.
Từ cuối năm 1954 đến giữa năm1956, mục sư Vũ Đan Chính kiêm nhiệm về hầu việc Chúa ở Sở Thượng. Phần lớn là sáng chúa nhật, mục sư đạp xe về giảng lời Chúa, xong lại quay về Hà Nội ngay.
Từ năm 1956, HTTL Sở Thượng đương nhiên là hội nhánh của HTTL Hà Nội vì không có chủ tọa chính thức mà các mục sư ở Hà Nội như mục sư Dương Tự Ấp, mục sư Lê Khắc Lưu, mục sư Bùi Hoành Thử về giảng chúa nhật. Hội thánh cử chấp sự Cao Khắc Uynh trông coi nhà thờ, mở cửa đón mục sư ngày chủ nhật hoặc Giáng sinh. Như vậy, giai đoạn này có thể gắn liền với HTTL Hà Nội
Giáng sinh 25/12/1972, mục sư Bùi Hoành Thử giảng sứ điệp cho 14 gia đình cùng 20 tín hữu. Đêm 26/12/1972, nhà thờ bị sức ép và chấn động của bom B52 bay hết ngói, cửa sổ và cửa chính hư hại nặng.
Từ năm 1973, mục sư Bùi Hoành Thử chỉ thỉnh thoảng mới về được Sở Thượng. Việc thờ phượng vào chiều chúa nhật chuyển sang nhà ông Đặng Văn Thái cạnh nhà thờ.
Năm 1996, nhà thờ Sở Thượng được Hàn Quốc giúp đỡ tái thiết xây dựng lại. Số tín hữu đến vẫn chỉ còn vài cụ già và em thiếu nhi.
Chỉ khi ông Trịnh Gia Bảo – chấp sự HTTL Hà Nội về với nước Chúa, nhiều người mới được thôi thúc đầu tiên về công việc Chúa ở Sở Thượng.
Năm 2003, tiến trình đô thị hóa bằng việc chuyển lên phường, quận nội thành, Sở Thượng chính thức thuộc về vùng đô thị, sẽ không còn kiểu mô hình tín hữu địa phương quây quần xung quanh vùng nông thôn nữa, mà những người nơi khác đến cùng lo công việc Chúa. Cuối năm 2003, một nhóm tráng niên HTTL Hà Nội buổi chiều chúa nhật đến nhóm tại Sở Thượng mở ra tiền đề cho việc phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
4. Giai đoạn từ 2004 đến nay:
Ngày 28/3/2004 đánh dấu buổi lễ thờ phượng sáng chúa nhật đầu tiên được chính thức diễn ra tại nhà thờ Sở Thượng, riêng biệt và độc lập với HTTL Hà Nội. Truyền đạo tình nguyện Vũ Hồng Thái chịu trách nhiệm giảng lời Chúa. Cho đến 2011, ngày 28/3 vẫn được gọi là “ngày kỷ niệm HTTL Sở Thượng hồi sinh”.
Trên danh nghĩa, HTTL Sở Thượng vẫn là hội nhánh của HTTL Hà Nội với quản nhiệm là mục sư Âu Quang Vinh. Đợt báp-têm đầu tiên, tín hữu được gửi lên báp-têm cùng với HTTL Hà Nội.
Không thể phủ nhận sự tận hiến của Thư ký hội thánh Vũ Hồng Thái cùng gia đình cho công việc Chúa tại Sở Thượng. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa ông Vũ Hồng Thái và mục sư Âu Quang Vinh, đã có những căng thẳng trong hội thánh. Ngoài ra do bất đồng quan điểm và mâu thuẫn nội bộ, tình hình hội thánh cũng nhiều xáo động, nhiều nhân sự đã chủ động hoặc buộc phải rời khỏi hội thánh.
HTTL Sở Thượng đã có những việc làm và tổ chức các sự kiện làm vinh danh Chúa và bày tỏ được tình yêu thương của Chúa như: Khám chữa bệnh và cấp phát thuốc thường niên cho cộng đồng, tặng sách giáo khoa cho trẻ em nghèo, quà cho người nghèo, các buổi dã ngoại bồi linh bên ngoài, lễ phục sinh, lễ giáng sinh, lễ tạ ơn đầu tiên trong Tổng hội HTTL miền Bắc được tổ chức bên ngoài khuôn viên nhà thờ,…
Những năm đầu, hội thánh tăng nhanh về số lượng nhưng không bền vững, có lúc đã phải nhóm 2 lễ chật kín chỗ ngồi, về sau lại thưa dần, giảm sút số lượng. Mô hình nhóm tế bào tan vỡ, không phát triển được.
Năm 2011, ông Vũ Hồng Thái được tấn phong mục sư nhiệm chức, chính thức bổ nhiệm làm Quản nhiệm hội thánh dù thực ra ông đã làm công việc này từ rất lâu.
Năm 2012, mục sư Vũ Hồng Thái tách khỏi Tổng hội HTTL Việt Nam, bàn giao lại công việc tại HTTL Sở Thượng. Thực tập sinh Hoàng Văn Huy tạm thời nhận trách nhiệm giảng lời Chúa.
Năm 2013, MSNC Phạm Bá Toàn được bổ nhiệm làm Quản nhiệm HTTL Sở Thượng. Chúa làm phép lạ đuổi quỷ, khích lệ đức tin của tín hữu trong hội thánh trải qua những giai đoại khó khăn.
Ngày 1/4/2016, HTTL Sở Thượng được Tổng hội công nhận là Hội thánh tự lập.
Tháng 6/2020, Ban thường trực Tổng hội HTTL Việt Nam (Miền Bắc) trực tiếp quản nhiệm HTTL Sở Thượng. Tháng 11/2020, Truyền đạo sinh Nguyễn Minh Đạo được cử thực tập hầu việc Chúa tại Hội thánh (đến hết tháng 5/2021)...