JÊSUS – ĐẤNG TRUNG BẢO



Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình (Hê-bơ-rơ 9:15).


Việc Chúa Jêsus chịu thương khó (chịu chết) là một sự kiện có tác động lớn và vô cùng quan trọng với dân Do Thái nói riêng và với toàn thể nhân loại. Tại sao lại quan trọng như vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi này.


Khi con người thất bại trong việc tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời thì ngay lập tức tội lỗi đã vào trong thế gian; điều này có nghĩa là con người không còn được tự do trong mối liên hệ tốt lành vốn có với Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo ban đầu của Ngài. Nhưng họ phải sống dưới ách của tội lỗi và chịu làm nô lệ cho ma quỷ.


Ngay sau khi Đức Chúa Trời giải cứu người Do Thái thoát khỏi cảnh phu tù tại Ai Cập, Ngài đã thiết lập giao ước đầu tiên cùng với họ (Xuất 24: 7-8). Giao ước cũ là gì? Giao ước là một thỏa thuận chính thức giữa hai bên. Theo giao ước cũ, Đức Chúa Trời đã lập con cháu Áp-ra-ham thành dân tộc thuộc riêng về Ngài và hứa ban phước cho họ (Sáng thế ký 12: 1-3). Đây là phần của Đức Chúa Trời trong giao ước đó. Phần của dân Do Thái là phải vâng giữ các điều răn cùng luật pháp của Đức Chúa Trời. Nếu họ không vâng theo lời Ngài thì giao ước đó sẽ bị hủy bỏ.


Giao ước cũ đã thất bại vì dân Do Thái đã thất bại trong việc tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 7: 24-26). Dưới giao ước cũ, người Do Thái không có sức mạnh và ý chí để vâng lời Đức Chúa Trời. Họ không được tự do khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi. Dẫu rằng mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm vẫn dâng sinh tế chuộc tội cho chính mình và cho dân chúng. Theo giao ước cũ thì mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm được phép vào nơi chí thánh một lần để gặp gỡ Đức Chúa Trời, Thầy tế lễ đó đem theo mình huyết của con sinh chuộc tội (Lê-vi-ký 16: 14-15). Tuy nhiên sinh tế của thầy tế lễ thượng phẩm không có hiệu lực vĩnh viễn, bởi vì nó phải được lặp lại mỗi năm một lần. Các sinh tế và của lễ của giao ước cũ không giúp cho tấm lòng con người trở tinh sạch hay làm lương tâm con người trọn vẹn lương tâm mình. Vì vậy, bởi sự không tinh sạch và không thánh khiết của mình con người không thể bước vào trong sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời.


Chính vì vậy, để con người có thể đến gần Đức Chúa Trời thì cần phải có một giải pháp, hay nói chính xác hơn là cần có một của lễ toàn hảo có thể thanh tẩy được tấm lòng và xóa bôi được tâm linh tội lỗi của con người. Chúa Jêsus chính là thầy tế lễ thượng phẩm tối cao Đức Chúa Trời ban cho con người để thông qua Ngài con người có thể đến gần với Đức Chúa Trời. Giao ước mới giữa con người với Đức Chúa Trời là giao ước của Đức Chúa Jêsus Christ.


Trong giao ước cũ, để bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, cần phải rảy huyết của con sinh tế, được dâng lên làm của lễ chuộc tội. Huyết và tro của con sinh chỉ có thể làm sạch phần xác thịt chứ không thể khiến lương tâm họ trở lên tinh sạch. Tuy nhiên, huyết của Chúa Jêsus có thể làm điều mà huyết con sinh không thể làm được; huyết Ngài có thể tẩy sạch lương tâm con người khỏi công việc chết để hầu việc Đức Chúa Trời.


Để giao ước mới có hiệu lực thì Chúa Jêsus phải dâng chính mình là sinh tế không tì vết một lần đủ cả để chuộc tội cho cả nhân loại. Sinh tế của Đấng Christ là hoàn hảo; cho nên không cần phải lặp lại. Ngay sau khi Chúa Jêsus chịu thương khó (chịu chết) trên thập tự giá thì bức màn ngăn cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh bị xé từ trên chí dưới (Ma-thi-ơ 27: 51, Lu-ca 23: 45, Mác 15: 38). Bức màn ngăn cách nơi thánh và nơi chí thánh không còn nữa, điều này đồng nghĩa với việc con người có thể tự do đến gần với Đức Chúa Trời. Qua sự chết của Chúa Jêsus, người tin Chúa được giải thoát khỏi những tội lỗi trước kia của mình; họ nhận được sự tha thứ nơi Đức Chúa Trời. Bởi vì Đấng Christ đã trở nên Đấng Trung Bảo của giao ước mới.


Đấng Trung Bảo được nhà thần học Wuest giải thích: Chữ “Đấng Trung Bảo” dịch từ chữ “mesits” nói đến người can thiệp giữa hai bên, để lập ra hay khôi phục hòa bình và tình bạn, để lập thành một hiệp ước mới, hay để phê chuẩn một giao ước. Ở đây, Đấng Mêsia hành động như người đi giữa hai bên hay người trung bảo giữa Đức Chúa Trời thánh khiết với con người tội lỗi. Bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá, Ngài cất bỏ chướng ngại vật (tội lỗi) đã gây ra sự xa cách giữa con người và Đức Chúa Trời. Khi tội nhân tiếp nhận công đức từ của tế lễ hy sinh của Đấng Mêsia, sự phạm tội và hình phạt cho tội lỗi người ấy không còn là của người nữa, quyền lực của tội lỗi trong đời sống người đã bị phá vỡ, người trở thành người nhận bản tánh thiên thượng, và sự xa cách giữa chính người với Đức Chúa Trời cả về mặt pháp lý lẫn cá nhận đã biến mất.


Vì cớ chúng ta có Đấng Christ là Đấng Trung Bảo cho nên chúng ta có thể nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình. “Cơ nghiệp đời đời” đó chính là sự tha thứ tội lỗi, sự cứu rỗi, và sự sống đời đời.


Ngày nay, Đấng Christ đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời để cầu thay cho chúng ta (Rô-ma 8: 34b). Nhà thần học William Barclay biện luận: Chúa Giê-xu không ngồi đó để làm người tố cáo chúng ta, nhưng đóng vai trò biện hộ, Ngài chẳng kết án, nhưng bênh vực, cũng không phải quan tòa xét xử, nhưng là luật sư bênh vực thân chủ mình.


Tóm lại, sự chết của Chúa Jêsus có ảnh hưởng lớn tới nhân loại vì qua sự chết của Ngài bất cứ ai tin nhận Ngài có thể phục hòa và tự do đến gần Đức Chúa Trời. Chúng ta được Chúa Jêsus biện hộ và bênh vực cũng như cầu thay cho mình trước ngai của Đức Chúa Trời.


Đăng ký email để nhận các thông tin mới nhất từ Hội thánh Tin lành Sở Thượng.